Thuỷ Nguyên nằm trong tứ giác nước: Sông Bạch Đằng và Đá Bạch ở phía Bắc, sông Cấm ở phía Nam, sông Kinh Thầy, sông Hàn Mấu ở phía Tây và phía Đông có một phần giáp biển.
Do có vị trí giao thông thuận lợi cả về đường bộ lẫn đường sông, hoạt động kinh tế chủ yếu của Thuỷ Nguyên thời cổ là kinh tế đồi rừng, nghề sơn tràng, đánh bắt thủy hải sản, nghề nung vôi, nung gạch và mở mang thương mại. Chợ Phướn, chợ Mỹ Giang, chợ Tổng, chợ Trịnh, chợ Núi Đèo, chợ Phục, chợ Si, chợ Sưa, chợ Thanh Lãng… là những chợ lớn. Nhiều tên chợ trong số đó được ghi vào sử sách, bia ký thời cổ hoặc được nhắc đến trong ca dao. Chẳng hạn như:
“Nhất cao là núi U Bò
Nhất đông chợ Giá
Nhất to sông Rừng”
Hoạt động thương mại không chỉ là buôn bán nhỏ trong phạm vi huyện, mà còn mở rộng hoạt động giao lưu với bên ngoài. Các ngành nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời: nấu muối, đánh cá, đan thuyền, đóng tàu.. ở các làng ven biển như Phả Lễ, Lập Lễ, Tuy Lạc, Kênh Triều, An Lư; Phả-Phục-Lập Lễ, Đoan Lễ, Do Lễ; săn bắt chim thú, sơn tràng, đốt than ở nhiều làng ven núi như Trại Kênh, Mỹ Cụ, Hạ Côi, Pháp Cổ, Thụ Khê; sau phát triển thêm nhiều nghề khác tuy không chuyên.
Thuỷ Nguyên nằm giữa hai trung tâm kinh tế lớn của vùng duyên hải Bắc Bộ là Hải Phòng và Quảng Ninh, có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế nông- ngư, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, vận tải…
Thời cổ, các nhóm cư dân từ biển vào đất liền đã gặp nhóm cư dân từ miền trung châu tiến ra ven biển và họ đã cùng nhau cộng sinh, cư trú trên khắp địa bàn huyện. Qua những di vật được tìm thấy trong các di chỉ Tràng Kênh Việt Khê... có thể thấy người Việt cổ đã làm chủ vùng đất Thuỷ Nguyên từ hàng nghìn năm trước.
Đã từ lâu trong khảo cổ học Việt Nam, địa điểm Tràng Kênh được coi như một di chỉ xưởng quan trọng và hoàn hảo nhất đối với việc nghiên cứu kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá, như vòng đeo, hạt chuỗi, khuyên tai…hết sức tinh xảo.
Đặc biệt, người ta đã phát hiện thấy đồ trang sức mang phong cách Tràng Kênh không chỉ có mặt trong các di chỉ khảo cổ học đồng đại ở Việt Nam, hay các tỉnh phía Nam Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, khu vực Châu Đại Dương, mà còn thấy chúng xuất hiện tận các quốc gia Nam Mỹ. Di chỉ khảo cổ học Tràng Kênh có niên đại khoảng 3400 năm cách ngày nay.
Năm 1961, trong khi đào đất, anh chị em công nhân công trường xưởng đóng tàu vô tình phát hiện thấy 5 ngôi mộ cổ độc đáo trên dải đất ven sông Hàn thuộc địa bàn thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh (do sai sót về ghi chép chỉ dẫn địa lý mà phát hiện khảo cổ này được mang tên là khu mộ cổ Việt Khê cũng là một thôn của xã Phù Ninh).
Đây là những ngôi mộ cổ, áo quan là một thân cây khoét rỗng bên trong theo hình lòng máng, trông giống như một chiếc thuyền nên có tên gọi là những ngôi mộ cổ hình thuyền Việt Khê, có niên đại từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ IV trước công nguyên.
Trong 5 cỗ áo quan, thì cỗ lớn nhất có gần 100 hiện vật; một cỗ khác theo lời kể lại, chỉ có một lưỡi rìu đồng, ba cỗ còn lại đều không có gì. Di vật tìm thấy trong mộ cổ Việt Khê thì đồ đồng thau chiếm hầu hết, chỉ có năm bẩy hiện vật đồ sơn và đồ gỗ mà thôi. Đồ đồng ở đây có thể chia ra các loại chính như công cụ, dụng cụ, vũ khí, nhạc khí, muôi đồng và đặc biệt là một tượng người thổi khèn.
Di chỉ khảo cổ học Tràng Kênh và khu mộ cổ Việt Khê cùng với hệ thống các địa điểm khảo cổ học văn hoá Phùng Nguyên, văn hoá Đông Sơn khác trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên là nguồn sử liệu hết sức quan trọng đối với việc nghiên cứu về thời đại Hùng Vương ở Việt Nam.
*
* * *
* * * * *
Kỳ 2: Thủy Nguyên - miền đất địa linh nhân kiệt
Trong cảm quan huyền thoại của người Thuỷ Nguyên, thì vua Hùng đã từng về đất này dậy dân cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm dệt vải, đúc đồng, đóng thuyền, đan lưới đánh bắt cá, tôm; lập phòng tuyến chống giặc biển.