Tổ chức lấy ý kiến cử tri và trình kỳ họp HĐND các cấp về nội dung Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên
Kế hoạch số 52 của UBND huyện Thuỷ Nguyên về Tổ chức lấy ý kiến cử tri và trình kỳ họp HĐND các cấp về nội dung Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên.
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến cử tri và thông qua kỳ họp HĐND các cấp về Đề án đảm bảo công khai, dân chủ và đúng quy định của pháp luật.
2. Yêu cầu
- Thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời đến cử tri về lý do, sự cần thiết và nội dung Đề án, từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất cao giữa cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương.
- Xác định đúng phạm vi, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của Đề án. Tổ chức địa điểm lấy ý kiến cử tri phù hợp với đặc điểm dân cư, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, dân chủ và đúng quy định của pháp luật.
- Tổ chức kỳ họp HĐND các cấp thống nhất tán thành chủ trương Đề án, đảm bảo thời gian và đúng quy định của pháp luật.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Công tác thông tin, tuyên truyền
- Tổ công tác tuyên truyền giúp việc Ban Chỉ đạo, cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, phòng, ban, ngành của huyện và các xã, thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các tổ chức và Nhân dân trên địa bàn; từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong Nhân dân địa phương.
- Nội dung thông tin, tuyên truyền:
(1) Sự cần thiết của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thành lập thành phố Thuỷ Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng;
(2) Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thành lập thành phố Thuỷ Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng;
(3) Đối tượng, phạm vi tác động của việc lấy ý kiến cử tri;
(4) Thời gian tổ chức lấy ý kiến cử tri;
(5) Quyền và nghĩa vụ của cử tri trong việc lấy ý kiến.
- Thời gian thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền từ khi UBND huyện ban hành Kế hoạch đến khi kết thúc việc lấy ý kiến cử tri.
- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bằng các hình thức thiết thực, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời đảm bảo các yêu cầu về công khai theo quy định.
2. Tài liệu phục vụ lấy ý kiến cử tri
2.1. Thành phần tài liệu phục vụ lấy ý kiến cử tri gồm:
- Đề án.
- Bản tóm tắt Đề án, bao gồm các nội dung:
+ Phương án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính;
+ Đánh giá tóm tắt tiêu chuẩn của ĐVHC;
+ Các điều kiện của việc sắp xếp, thành lập ĐVHC;
+ Danh mục các văn bản chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.
2.2. Tài liệu phục vụ lấy ý kiến cử tri được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của UBND huyện; niêm yết tại trụ sở các xã, thị trấn, nhà văn hóa các thôn, tổ dân phố và được tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương; tại các cuộc họp thôn, tổ dân phố trong thời gian tổ chức lấy ý kiến cử tri.
3. Tổ chức lấy ý kiến cử tri
3.1. Đối tượng lấy ý kiến
- Cử tri là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú tại địa phương, đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (tính đến ngày tổ chức việc lấy ý kiến).
- Tuổi của công dân được tính theo ngày, tháng, năm ghi trong Giấy khai sinh (trường hợp không có Giấy khai sinh thì căn cứ vào căn cước công dân hoặc các giấy tờ có giá trị khác).
3.2. Nội dung và phạm vi lấy ý kiến cử tri
a) Nội dung lấy ý kiến cử tri
- Thành lập 09 phường: Minh Đức, Hoa Động, Thiên Hương, Quảng Thanh, Hoà Bình, An Lư, Phạm Ngũ Lão, Lập Lễ, Tam Hưng trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 09 xã, thị trấn: Minh Đức, Hoa Động, Thiên Hương, Quảng Thanh, Hòa Bình, An Lư, Ngũ Lão, Lập Lễ, Tam Hưng.
- Thành lập 8 phường trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 17 xã: Thành lập phường Thuỷ Đường trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị trấn Núi Đèo, xã Thuỷ Sơn và xã Thuỷ Đường; thành lập phường Dương Quan trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Tân Dương và xã Dương Quan. Thành lập phường Hoàng Lâm trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Lâm Động và xã Hoàng Động. Thành lập phường Lê Hồng Phong trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Kiền Bái và xã Mỹ Đồng. Thành lập phường Trần Hưng Đạo trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Đông Sơn và xã Kênh Giang. Thành lập phường Lưu Kiếm trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Lưu Kiếm và xã Lưu Kỳ. Thành lập phường Thuỷ Hà trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Trung Hà và xã Thuỷ Triều. Thành lập phường Nam Triệu Giang trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Phục Lễ và xã Phả Lễ.
- Thành lập 04 xã mới trên cơ sở sáp nhập 11 xã: Thành lập xã Bạch Đằng trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Gia Minh, xã Gia Đức và xã Minh Tân. Thành lập xã Liên Xuân trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Lại Xuân và xã Liên Khê. Thành lập xã Ninh Sơn trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã An Sơn, xã Kỳ Sơn và xã Phù Ninh. Thành lập xã Quang Trung trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Hợp Thành, xã Cao Nhân và xã Chính Mỹ.
- Thành lập thành phố Thuỷ Nguyên trên cơ sở diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 17 phường: Hoa Động, Thiên Hương, Hoà Bình, An Lư, Phạm Ngũ Lão, Lập Lễ, Tam Hưng, Minh Đức, Quảng Thanh, Dương Quan, Hoàng Lâm, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Lưu Kiếm, Thuỷ Đường, Thuỷ Hà, Nam Triệu Giang và 04 xã: Bạch Đằng, Liên Xuân, Ninh Sơn, Quang Trung.
b) Phạm vi lấy ý kiến: Tổ chức lấy ý kiến cử tri trên phạm vi toàn bộ các xã, thị trấn thuộc huyện Thủy Nguyên.
3.3. Danh sách cử tri
a) Chậm nhất ngày 01/3/2024 UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm lập và niêm yết danh sách cử tri trên địa bàn. Danh sách cử tri phải được niêm yết tại trụ sở UBND các xã, thị trấn và Nhà văn hoá thôn, tổ dân phố, các điểm tổ chức lấy ý kiến cử tri.
(Danh sách cử tri có mẫu số 01 kèm theo)
b) Nguyên tắc lập danh sách cử tri
- Ghi tên vào danh sách cử tri: người đủ 18 tuổi tính đến ngày lấy ý kiến cử tri và có đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại địa bàn các xã, thị trấn được ghi tên vào danh sách cử tri (cử tri sinh năm 2005 trở về trước, chỉ cần ghi năm sinh; cử tri sinh năm 2006 thì ghi cả ngày tháng năm sinh tính từ ngày 30/3/2024 trở về trước). Cử tri được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú. Trường hợp tổ chức lấy ý kiến đối với cùng 01 đơn vị hành chính ở cả nơi cử tri đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú thì cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi mình đăng ký thường trú.
- Cử tri nếu ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đó lập đến trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tổ chức lấy ý kiến cử tri 24 giờ thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã xuất trình hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú đế được ghi tên vào danh sách cử tri.
- Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.
- Cử tri bị xóa đăng ký thường trú hoặc xóa đăng ký tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tổ chức lấy ý kiến thì khi danh sách đã được niêm yết, cử tri đã có tên trong danh sách mà đến thời điểm phát phiếu lấy ý kiến bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì xóa tên khỏi danh sách cử tri.
- Danh sách cử tri được niêm yết trong thời hạn tối thiểu 30 ngày kể từ ngày bắt đầu niêm yết danh sách cử tri đến ngày tổ chức phát phiếu lấy ý kiến cử tri.
3.4. Hình thức, cách thức thực hiện lấy ý kiến cử tri
- Việc lấy ý kiến cử tri được tổ chức theo thôn, tổ dân phố.
- Hình thức thực hiện là phát phiếu lấy ý kiến cử tri theo hộ gia đình trong mỗi khu vực lấy phiếu của từng thôn, tổ dân phố.
- Nội dung phiếu lấy ý kiến cử tri là nội dung tại điểm a, mục 3.2.
- Cử tri phải tự mình viết và ký vào Phiếu lấy ý kiến, không được nhờ người khác viết thay. Trường hợp cử tri không biết chữ, cử tri là người khuyết tật không thể tự đánh dấu và ký tên vào Phiếu lấy ý kiến cử tri thì nhờ người trong gia đình hoặc người thân viết hộ.
- Phiếu lấy ý kiến cử tri gồm có các mục cử tri đồng ý, không đồng ý và ý kiến khác.
(Phiếu lấy ý kiến cử tri có mẫu số 2A, 2B, 2C[1] kèm theo)
3.4. Thành lập Tổ lấy ý kiến cử tri và nhiệm vụ của Tổ lấy ý kiến cử tri
a) Chậm nhất đến ngày 12/3/2024, UBND các xã, thị trấn quyết định thành lập Tổ lấy ý kiến cử tri theo địa bàn thôn, tổ dân phố; thành viên mỗi tổ từ 03 đến 05 người.
(Quyết định thành lập Tổ lấy ý kiến cử tri theo mẫu số 03 kèm theo)
b) Cơ cấu, thành phần Tổ lấy ý kiến cử tri gồm:
- Tổ trưởng là Bí thư chi bộ hoặc Trưởng thôn, tổ dân phố.
- Các Tổ viên là đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và người dân có uy tín ở thôn, tổ dân phố;
- Thư ký là cán bộ, công chức hoặc giáo viên đang công tác trên địa bàn (tuỳ điều kiện thực tế, các địa phương có thể lựa chọn thư ký là người có trình độ, năng lực, sức khoẻ để tham gia đảm nhiệm việc lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến cử tri).
c) Nhiệm vụ của Tổ lấy ý kiến cử tri
- Tổ lấy ý kiến cử tri có trách nhiệm nhận Phiếu lấy ý kiến cử tri do UBND xã, thị trấn ban hành kèm theo danh sách cử tri;
- Phân công cho các thành viên triển khai đến các hộ gia đình phát phiếu lấy ý kiến cử tri; hoặc tổ chức họp Nhân dân mời đến lấy phiếu.
- Việc phát phiếu lấy ý kiến cử tri được thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ, cụ thể như sau:
+ Tổ lấy ý kiến cử tri phát phiếu cho cử tri, cử tri ký nhận phiếu vào danh sách cử tri.
+ Sau khi nhận phiếu, cử tri nghiên cứu xem xét cho ý kiến vào ô “đồng ý” hoặc “không đồng ý” vào mỗi mục trên phiếu; hoặc có ý kiến khác vào phần “ý kiến khác…”, sau đó ký tên trên phiếu.
Lưu ý: Cử tri phải tự mình viết và ký vào Phiếu lấy ý kiến, không được nhờ người khác viết thay. Trường hợp cử tri không biết chữ, cử tri là người khuyết tật không thể tự đánh dấu và ký tên vào Phiếu lấy ý kiến cử tri thì nhờ người trong gia đình hoặc người thân viết hộ.
+ Sau khi Tổ lấy ý kiến cử tri triển khai xong công tác lấy ý kiến cử tri các hộ gia đình trên địa bàn thôn, tổ dân phố hoặc hết thời gian theo Kế hoạch. Trước khi tiến hành việc kiểm phiếu, Tổ trưởng Tổ lấy ý kiến cử tri mời 02 cử tri (là người biết chữ), có uy tín trong Nhân dân để chứng kiến việc kiểm kê sử dụng phiếu và kiểm phiếu.
- Tổ lấy ý kiến cử tri tiến hành kiểm kê sử dụng phiếu, gồm các nội dung sau: Số phiếu nhận về; số phiếu phát ra (bằng số cử tri đã xác nhận); số phiếu hỏng; số phiếu chưa sử dụng.
- Sau đó, Tổ lấy ý kiến cử tri thực hiện kiểm phiếu, gồm nội dung sau: tổng số cử tri của thôn, tổ dân phố (bằng số cử tri ghi trong danh sách cử tri); số lượng cử tri tham gia (bằng số cử tri đã cho ý kiến); số lượng phiếu thu vào, tính tỷ lệ số phiếu thu vào trên số phiếu phát ra; xác định số lượng phiếu hợp lệ, phiếu không hợp lệ; tính tỷ lệ số phiếu hợp lệ, không hợp lệ trên số lượng phiếu thu vào.
- Phiếu hợp lệ và phiếu không hợp lệ:
+ Phiếu hợp lệ là phiếu đúng mẫu quy định, có đóng dấu của UBND cấp xã, thị trấn phải được đánh dấu vào 01 trong 02 ô “đồng ý” và “không đồng ý”. Ngoài ra, cử tri có quyền được ghi ý kiến khác vào phiếu theo quy định.
+ Phiếu không hợp lệ là phiếu không đúng mẫu quy định; phiếu không đóng dấu của UBND các xã, thị trấn; phiếu đánh dấu vào cả hai ô đồng ý và không đồng ý hoặc cả hai ô đều không đánh dấu. Đối với các dấu hiệu khác của phiếu nghi là không hợp lệ, Tổ lấy ý kiến cử tri thảo luận xem xét, quyết định.
- Xác định số lượng phiếu đồng ý, không đồng ý, tính tỷ lệ số phiếu đồng ý, không đồng ý trên tổng số cử tri của thôn, tổ dân phố; xác định số lượng phiếu có ý kiến khác, tính tỷ lệ trên tổng số cử tri của thôn, tổ dân phố; tổng hợp nhóm các ý kiến khác được cử tri ghi tại dòng “ý kiến khác” trên phiếu. Tổ lấy ý kiến cử tri tiến hành kiểm phiếu đảm bảo chính xác, đúng quy định của Pháp luật và hướng dẫn của cấp trên, lập Biên bản kiểm phiếu theo từng nội dung trong Phiếu lấy ý kiến cử tri.
(Biên bản kiểm phiếu theo mẫu số 4A, 4B, 4C[2] kèm theo)
- Sau khi lập Biên bản kiểm phiếu, tiến hành tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri theo từng nội dung trong Phiếu lấy ý kiến cử tri.
(Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri theo mẫu số 5A, 5B, 5C[3] kèm theo)
- Niêm phong phiếu: Sau khi hoàn thành việc kiểm phiếu, Tổ lấy ý kiến cử tri có trách nhiệm niêm phong toàn bộ phiếu hợp lệ, không hợp lệ, phiếu hỏng, phiếu chưa sử dụng bàn giao cho UBND xã, thị trấn. UBND xã, thị trấn có trách nhiệm lưu trữ phiếu được niêm phong theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
4. Thời gian lấy ý kiến cử tri: Thực hiện từ ngày 30-31/3/2024.
5. Báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri
- UBND cấp xã lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn (theo biểu mẫu số 05 kèm theo), gửi đến HĐND cùng cấp và Ủy ban nhân dân huyện; thời gian chậm nhất ngày 05/4/2024.
- UBND huyện lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn gửi đến HĐND cùng cấp và UBND thành phố (qua Sở Nội vụ); thời gian chậm nhất ngày 09/4/2024.
III. TỔ CHỨC KỲ HỌP HĐND CÁC CẤP THÔNG QUA ĐỀ ÁN
1. Tổ chức kỳ họp (chuyên đề) HĐND cấp xã
- Sau khi có kết quả lấy ý kiến cử tri về nội dung Đề án có liên quan, nếu có trên năm mươi phần trăm (50%) số cử tri trên địa bàn tán thành thì UBND cấp xã báo cáo Đảng ủy, Thường trực HĐND cùng cấp quyết định tổ chức kỳ họp HĐND theo quy định; hoàn thiện hồ sơ trình kỳ họp HĐND cùng cấp, HĐND tiến hành thảo luận, biểu quyết tán thành chủ trương thành lập đơn vị hành chính có liên quan và ban hành Nghị quyết.
Hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban nhân dân huyện (qua Phòng Nội vụ), gồm các tài liệu sau:
- Tờ trình của UBND xã, thị trấn trình UBND huyện;
- Nghị quyết của HĐND xã, thị trấn;
- Biên bản họp HĐND xã, thị trấn;
- Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri;
- Biên bản kiểm phiếu của các thôn, tổ dân phố.
Thời gian thực hiện: xong trước ngày 11/4/2024
2. Tổ chức kỳ họp (chuyên đề) HĐND huyện Thủy Nguyên
Sau khi có kết quả lấy ý kiến cử tri về nội dung Đề án có liên quan của cấp xã, nếu có trên năm mươi phần trăm (50%) số cử tri trên địa bàn huyện tán thành thì UBND huyện báo cáo Huyện ủy, Thường trực HĐND huyện quyết định triệu tập kỳ họp HĐND (chuyên đề) tiến hành thảo luận, biểu quyết về việc tán thành nội dung Đề án. Nghị quyết và trích biên bản kỳ họp HĐND huyện được đính kèm theo Tờ trình của UBND huyện gửi đến UBND thành phố Hải Phòng (qua Sở Nội vụ). Thời gian thực hiện xong trướcngày 15/4/2024.
3. Chuẩn bị nội dung trình HĐND thành phố
Sau khi Nghị quyết HĐND huyện thông qua, UBND huyện tổng hợp hồ sơ trình UBND thành phố (qua Sở Nội vụ) tổng hợp hồ sơ báo cáo, trình HĐND thành phố họp thông qua Đề án.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đề nghị Huyện uỷ, Ban Chỉ đạo Huyện uỷ:
Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức lấy ý kiến cử tri và tổ chức kỳ họp HĐND các cấp đảm bảo yêu cầu chỉ đạo của thành phố.
2. Đề nghị Thường trực HĐND huyện:
- Chỉ đạo, hướng dẫn HĐND các xã, thị trấn tổ chức kỳ họp chuyên đề thông qua Đề án.
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ họp chuyên đề HĐND huyện ban hành nghị quyết thông qua Đề án.
- Hoàn thiện hồ sơ kỳ họp báo cáo các cấp có thẩm quyền.
3. Đề nghị Tổ công tác tuyên truyền giúp việc Ban Chỉ đạo, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, Ban Dân vận Huyện uỷ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị- xã hội huyện
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo và phối hợp với UBND huyện, Đảng uỷ, HĐND, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về lý do, sự cần thiết của Đề án, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức trong xã hội, các cấp, các ngành, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về Đề án.
- Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục đảm bảo mọi người dân trên địa bàn có đầy đủ thông tin, nắm vững và hiểu biết về chủ trương, quyền lợi và nghĩa vụ khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thành lập thành phố Thuỷ Nguyên.
4. Phòng Nội vụ
- Theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các xã, thị trấn triển khai tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định và tiến độ Kế hoạch.
- Hướng dẫn UBND các xã, thị trấn lập danh sách cử tri và tổ chức lấy ý kiến cử tri đảm bảo đúng quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật.
- Tham mưu UBND huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho UBND các xã, thị trấn và các thành viên Tổ lấy ý kiến cử tri. Xong trước ngày 20/3/2024.
- Tham mưu UBND huyện hoàn thiện hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thành lập thành phố Thuỷ Nguyên trực thuộc thành phố Hải Phòng trình HĐND huyện thông qua. tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ Đề án báo cáo, trình UBND thành phố.
5. Văn phòng HĐND và UBND huyện
- Phối hợp với Phòng Nội vụ trong quá trình tổ chức Kế hoạch lấy ý kiến cử tri và trình thông qua HĐND các cấp đối với Đề án; kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND huyện các đề xuất, vướng mắc để giải quyết.
- Tổ chức đăng tải tài liệu phục vụ lấy ý kiến cử tri đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thành lập thành phố Thuỷ Nguyên trực thuộc thành phố Hải Phòng (bản tóm tắt Đề án và các văn bản chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước) trên cổng thông tin điện tử huyện.
6. Phòng Tài chính- Kế hoạch
Tham mưu với UBND huyện bố trí kinh phí đảm bảo để các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến cử tri và tổ chức kỳ họp HĐND cấp xã, cấp huyện. Hướng dẫn việc thanh quyết toán theo quy định.
7. Phòng Văn hoá - Thông tin, Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao huyện; cổng thông tin điện tử huyện
Đăng tải nội dung thông tin, tuyên truyền; xây dựng các chuyên mục để tuyên truyền thường xuyên về Đề án. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời đến các cử tri chịu sự tác động ảnh hưởng của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã về chủ trương và sự cần thiết của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thành lập thành phố Thuỷ Nguyên, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình tổ chức lấy ý kiến cử tri.
Trung tâm Văn hoá – Thông tin và Thể thao huyện phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu tổ chức treo băng rôn, pano… tại Trung tâm huyện, các trục đường chính, trụ sở UBND xã, thị trấn, các điểm lấy kiến cử tri…
8. Các phòng, ban, ngành huyện
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Phòng Nội vụ hướng dẫn UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thành lập thành phố Thuỷ Nguyên theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tiến độ Kế hoạch.
9. UBND các xã, thị trấn
- Thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời đến cử tri về chủ trương, sự cần thiết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và nội dung, thời gian, địa điểm, hình thức tổ chức lấy ý kiến cử tri;
- Lập, niêm yết danh sách cử tri; niêm yết tài liệu phục vụ lấy ý kiến cử tri tại trụ sở UBND cấp xã và các điểm sinh hoạt cộng đồng tại thôn, tổ dân phố;
- Thành lập Tổ lấy ý kiến cử tri; tổ chức lấy ý kiến cử tri; tiếp nhận và xử lý đơn thư, kiến nghị (nếu có) theo quy định.
- Tổng hợp biên bản họp, phiếu lấy ý kiến của cử tri; lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri địa phương.
- Trình HĐND cùng cấp thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập phường và thành lập thành phố Thuỷ Nguyên trực thuộc thành phố Hải Phòng; báo cáo UBND huyện về kết quả lấy ý kiến cử tri và kết quả trình thông qua HĐND cùng cấp theo hướng dẫn, chỉ đạo của UBND huyện.
UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng nội dung, mục đích, yêu cầu và tiến độ đề ra. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về UBND huyện (qua Phòng Nội vụ) để được hướng dẫn, giải quyết./.
[1] Mẫu 2A: áp dụng cho việc thành lập phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số;
Mẫu 2B: áp dụng cho việc thành lập phường trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số;
Mẫu 2C: áp dụng cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
[2] Mẫu 4A: áp dụng cho việc thành lập phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số;
Mẫu 4B: áp dụng cho việc thành lập phường trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số;
Mẫu 4C: áp dụng cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
[3] Mẫu 5A: áp dụng cho việc thành lập phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số;
Mẫu 5B: áp dụng cho việc thành lập phường trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số;
Mẫu 5C: áp dụng cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số.