Lễ hội chùa Lễ Sơn làng văn hóa Mai Động xã Liên Khê, nét đẹp văn hóa làng quê Việt
Chùa Lễ Sơn (tên gọi khác là Chùa Mai Động) không chỉ là một ngôi chùa như bao ngôi chùa làng Việt Nam cổ truyển khác, mà Chùa còn là một công trình lưu niệm về chiến thắng Bạch Đằng Giang lịch sử năm 1228 của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Nguyên Mông.
Tương truyền, nơi đây khi xưa bốn bề được bao bọc bởi núi đồi trập trùng, gần kề bến nước vừa đảm bảo bí mật an toàn, lại vừa thuận tiện cho việc vận chuyển nên đã được Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chọn làm nơi cất giấu quân lương phục vụ trận chiến đấu chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 vào đầu tháng 4/1228 trên sông Bạch Đằng. Với giá trị lịch sử to lớn đó, năm 1986 chùa Mai Động( Chùa Lễ Sơn) đã được nhà nước công nhận xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia.

Đ/c Nguyễn Văn Hùng- Phó BT Đảng ủy, chủ tịch UBND xã tặng hoa chúc mừng
Chùa lễ Sơn tên chữ là Lễ Sơn Tự, một công trình kiến trúc có quy mô vừa phải và vẫn giữ được dáng dấp của nghệ thuật dân tộc cổ truyền.

Chùa nằm trên sườn của dãy núi Yên Ngựa, khuôn viên chùa dốc theo độ thoải của sườn đồi. Vườn chùa là nơi hội tụ của nhiều loại cây ăn quả quen với thủy, thổ của miềm trung du như: mít, nhãn, vải. Chùa quay hướng nam, trước còn bảo lưu được 4 ngôi tháp mộ trong số hơn hai chục tháp sư của chùa. Kiến trúc chùa có bố cục hình chữ Đinh quen thuộc gồm 3 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Cổ vật của chùa còn lưu lại còn 9 tấm bia đá cổ ghi lại sự tích ngôi chùa. Bia kí có niên đại cổ nhất là cột Thiên Trụ trước cửa chùa, được lập năm Vĩnh Thịnh nguyên niên 1705 đời vua Lê Dụ Tông ghi lại 12 dòng họ làng Mai Động. Cột Thạch Trụ mang tính nghệ thuật cao chạm khắc rồng, phượng, hoa sen tinh xảo, sống động; Bia Cổ Tích danh lam tu lý Lễ Sơn Thạch (nghĩa là tu tạo chùa Lễ Sơn thành danh lam cổ tích) dựng năm 1724 đời Vua Lê Thuần Tông ghi lại việc trùng tu, tạc tượng của ngôi cổ tự. Tấm bia to nhất được tạc bằng đá trắng đời vua Minh Mạng năm 1826 ghi lại công đức dân làng, phật tử thập phương khuyên góp đúc Đại Hồng Chung( Chuông chùa) và khắc bài minh ca, ca ngợi Đức phật Như Lai. Tấm bia được lập gần đây nhất vào đời vua Bảo Đại( triều Nguyễn) năm 1926.

Bảo thấp cổ trước chùa
Trải qua bao thăng trầm của thời gian và những biến cố lịch sử đã làm thay đổi và biến dạng rất nhiều kết cấu, kiến trúc của ngôi chùa, song những dấu vết hiện tồn đã trở thành báu vật văn hóa thiêng liêng của nhân dân địa phương.
Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về vào ngày 08-09 tháng giêng nhân dân làng văn hóa Mai Động lại tổ chức lễ hội truyền thống của làng tại chùa. Lễ hội không chỉ là một hoạt động văn hóa cộng đồng thể hiện tinh thần đoàn kết của nhân dân trong làng, lễ hội còn thể hiện tinh thần dân tộc nhớ về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của Đức Thánh Trần và các bậc tiền nhân trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm giữ nước.

Lễ hội chùa Mai Động được bắt đầu từ 07h sáng ngày 08 tháng giêng và kết thục vào 22 giờ ngày 09 tháng giêng với các hoạt động:
Cung rước Thánh Nam Hải từ miếu Phù Ninh đầu làng về Khu di tích Đền thờ chùa Lễ Sơn;
Lễ dâng hương lễ phật, trình thánh của các xóm văn hóa;
Cúng Phật, cúng Thánh;
Lễ Tế trình;
Khai mạc Lễ hội, đánh chiêng, trống khai hội, dâng hương;
Tế tạ;
Tụng kinh Dược sư, cầu an;
Rước thánh Nam Hải về miếu Phù Ninh an vị.
Ngoài ra trong lễ hội còn các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian, tổ chức mừng thọ các cụ cao tuổi tròn tuổi 80, 90, 100; tặng qùa các cháu có thành tích cao trong học tập và các cháu đỗ đại học
Khen thưởng các dòng họ, các xóm văn hóa, các tập thể, cá nhân tích cực trong hoạt động của làng và đóng góp tích cực vào việc trùng tu, tôn tạo quần thể khu di tích.
Lễ hội chùa Lễ Sơn( Mai Động) là một hoạt động văn hoá, tín ngưỡng lớn của làng văn hóa Mai Động xã Liên Khê để tri ân, ghi nhớ công lao to lớn của Hưng Đạo Đại Vưng Trần Quốc Tuấn trong chiến thắng Bạch Đằng lịch sử đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông; qua đó nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tình yêu quê hương đất nước, động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực thi đua trong học tập, lao động và sản xuất, và là dịp để những người con xa quê trở về thăm quê, sum vầy, đoàn tụ bên gia đình./.
BTV xã thực hiện.
Một số hình ảnh hoạt động văn hóa tại lễ hội.







